"Cá chép hoá rồng" \\ Winter 2021
Cá chép hóa rồng.
Vay mượn từ văn hóa Trung Hoa, hay di sản của tổ tiên người Việt?
Luận điểm đầu tiên.
Nhìn lại dòng chảy lịch sử, ta không biết lần đầu hình tượng Cá chép hóa rồng xuất hiện tại Đại Việt là khi nào, nhưng di vật xa xưa nhất may mắn còn sót lại đến ngày nay là ở chùa Côn Sơn, chùa Xuân Lũng hay các tượng ở di chỉ Xuân Hồng thuộc thời Trần, từ tận thế kỷ 13.
Sau đó những hoạ tiết này lại được tìm thấy trên bức chạm đá Cá hóa rồng trên sóng nước tại mặt ngoài Đàn Nam Giao (Hà Nội).
Mãi đến gần đây, các nhà khảo cổ phát hiện thêm một địa điểm quan trọng, cũng được phủ lên những bức phù điêu Cá chép hóa rồng tuyệt đẹp: thềm điện Kính Thiên. Những họa tiết nơi đây cũng chính là nguồn cảm hứng để người bạn Michael Angle tạo nên thiết kế bên dưới.
Nói thêm một chút, vốn dĩ điện Kính Thiên là một công trình quan trọng bậc nhất trong lịch sử nước Việt. Năm 1428, đây là nơi đại vương Lê Lợi - tức Thái Tổ Cao Hoàng đế tuyên bố đăng quang, khai sinh quốc hiệu Đại Việt, dựng nên triều đại Hậu Lê huy hoàng rực rỡ.
Suốt nhiều năm sau đó, điện Kính Thiên là địa điểm tổ chức những nghi lễ long trọng, những lần thiết triều bàn bạc quốc gia đại sự, tồn vong của đất nước. Kể cả những lần tiếp đón sứ thần nước ngoài cũng được diễn ra tại đây.
Mãi sau này, khi triều Lê suy vong, triều Nguyễn hưng vượng, thì điện Kính Thiên lại một lần nữa được chọn làm hành cung cho các triều vua tuần du ra Bắc.
Điều kì diệu là vào năm 1886, điện Kính Thiên bị thực dân Pháp phá hủy hoàn toàn, phá sạch đến từng viên gạch. Chỉ duy nhất thềm bậc và nền điện, không biết vì lí do gì mà may mắn được giữ lại, cùng với đó là những hình tượng chạm khắc thể hiện trình độ tinh hoa bậc thầy của những nghệ nhân Đại Việt, đã ở đó chứng kiến những sự kiện lịch sử suốt hơn 450 năm.
Ngày hôm nay, sau 6 thế kỉ thăng trầm từ ngày đầu được xây dựng, những phù điêu Cá chép hóa rồng một lần nữa được chúng tôi tìm đến, và tái hiện trong bộ sưu tập của mình.
Luận điểm thứ hai.
Các bạn hẳn đã từng nghe sự tích Cá chép hóa rồng còn có tên gọi khác là Cá chép vượt Vũ Môn. Trước đây tôi luôn nghĩ Vũ Môn là một địa danh thuộc Trung Hoa. Mãi đến khi tìm kiếm tư liệu cho tác phẩm của mình, chúng tôi mới bất ngờ.
Theo sách Đại Nam nhất thống chí (bộ sách lớn nhất và quan trọng nhất về dư địa chí, hay lịch sử - địa lý, của Việt Nam dưới thời phong kiến): "trên dãy núi Giăng Màn, Hương Khê, Hà Tĩnh có một thác nước lớn tên là Vũ Môn, gồm 3 bậc, đứng xa mấy trăm dặm vẫn trông thấy như một làn khói sừng sững trên nền núi xanh. Sự tích Cá hóa rồng gắn với thác Vũ Môn vốn dĩ được lưu truyền lâu đời trong dân gian Việt Nam xuất phát từ nơi đây."
Vậy, bạn thấy Cá chép hóa rồng / Cá chép vượt Vũ Môn là một thứ vay mượn, hay là một di sản gần ngàn năm tuổi của tổ tiên người Việt?