Giỏ hàng

BABY DON'T CRY - Bộ sưu tập về Văn hoá dân gian Đông Hồ

“Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có ao tắm mát, có nghề làm tranh.”

Link đặt hàng sản phẩm ở cuối bài viết.

Tại một làng quê nhỏ cách Hà Nội chỉ 35km, cạnh sông Đuống, một nền văn hoá đang chìm vào quên lãng.
Ngôi làng tên Đông Hồ, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Vì sao Đông Hồ sắp chìm vào quên lãng, khi mà tất cả người dân Việt đều từng một lần nghe và biết về dòng tranh dân gian thân thuộc này?
Ngày đến Đông Hồ, từ một làng nghề nổi danh với việc cả làng làm tranh để bán khắp đất nước, giờ đi mòn mỏi chỉ thấy bạt ngàn…vàng mã. Cả làng đã chuyển sang phục vụ cho thế giới bên kia. Hàng đoàn xe tải đến rồi đi, với những thùng hàng đầy ắp giấy tiền vàng bạc, nhà giấy, xe giấy, áo quần giấy…
Chẳng thấy tranh đâu.

Cả một vùng từng trù phú và nhộn nhịp bậc nhất đất kinh kỳ nay chỉ còn sót lại 2 gia đình vẫn bảo tồn cái nghệ thuật của ông cha trăm năm về trước.

Chúng tôi tìm đến cụ Nguyễn Đăng Chế - một trong những nghệ nhân cuối cùng, người vẫn sống với cái nghề được truyền lại bao đời.
Cả nhà cụ, kì diệu thay, vẫn miệt mài làm tranh. Khắp gian nhà cổ kính ấy, trong từng góc nhuốm màu thời gian, những người con, cháu, dâu, rể…đang cặm cụi khắc, đục, đẽo, trộn màu, in, phơi. Từng bức tranh với lịch sử hàng trăm năm tuổi đời đang được hồi sinh, và rực rỡ sắc màu như cái quá khứ huy hoàng của Đông Hồ nhiều năm về trước.

Màu trắng từ con điệp. Màu đỏ từ hòn sỏi ở núi. Màu vàng từ hoa hoè. Màu xanh từ lá chàm. Màu đen từ lá tre.
Một mình, vô dụng trong tự nhiên, cùng nhau, dưới bàn tay của người nghệ nhân già, trở thành những Đám cưới chuột, Lợn ỷ xoáy âm dương, Sân gà, Mục đồng thổi sáo, Thầy đồ cóc…

- Tôi hỏi cụ: giới trẻ có quan tâm đến Đông Hồ không?
- Cụ nói: cũng ít lắm. Tụi trẻ giờ có nhiều thứ hay hơn để xem, để chơi, để làm. Nhưng mà Đông Hồ không chết được đâu. Hè nào cũng có hàng trăm học sinh tiểu học khắp nơi được về đây, mình dạy mấy đứa nhỏ cách làm tranh, giới thiệu về ý nghĩa của từng bức, nói cho hiểu về cái hay của Đông Hồ. Cứ trăm đứa cũng có vài đứa yêu mến và tìm hiểu thêm. Mình tin là Đông Hồ sẽ còn mãi.

Chắc chúng tôi là “một vài đứa” đó. Những đứa trẻ ngông nghênh cứ thích tìm về văn hoá dân tộc, thích mang cái xưa cũ vào đường phố.


Thật sự mà nói, từ trước đến nay Grimm DC luôn tiếp cận văn hoá lịch sử một cách chính thống, có đôi khi khá cổ hũ. Vì chúng tôi luôn sợ đi ra khỏi con đường lớn ấy, là những ngã rẽ sẽ khiến mình lạc lối.

Thế nhưng, càng sống trong không gian “đường phố” này lâu, chúng tôi lại dần tìm ra một con đường để thật sự hòa trộn được cái tính sử thi cứng nhắc với cái ngông nghênh và phá cách của tuổi trẻ.

Ai nói văn hoá dân tộc không thể hiện đại?
Ai nói nghệ thuật dân gian không thể “hip-hop”?
Ai nói lịch sử không thể ngầu?

Baby don’t cry chính là câu trả lời tuyệt vời cho những thể nghiệm hoà trộn độc đáo mà chúng tôi: Grimm DC - Zummaz- Antiantiart đã cùng nhau thực hiện. Một điều chưa bao giờ xuất hiện trước đây. Một kết hợp đầy ngẫu hứng & tuyệt đẹp giữa Graffiti hiện đại và Đông Hồ cổ xưa.

Và chúng tôi biết, ở khắp mọi miền đất nước, vẫn có bạn, những người trẻ si mê cái chất Việt đang chảy trong huyết quản của mình. Hành trình này, dù khó khăn nhưng chúng ta sẽ luôn song hành với nhau.

Chừng nào còn người Việt, văn hoá Việt sẽ sống mãi.